Nhà Bống
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Hồng Nhung – Sinh ra để làm họa mi (Tác giả: Phạm Quốc Khương)

Go down

Hồng Nhung – Sinh ra để làm họa mi (Tác giả: Phạm Quốc Khương) Empty Hồng Nhung – Sinh ra để làm họa mi (Tác giả: Phạm Quốc Khương)

Bài gửi by Admin Sun Feb 06, 2011 12:53 am

* Bài dự thi Tôi viết về thần tượng của Phạm Quốc Khương (Thanh Hoá)
Hồng Nhung như một con chim họa mi nhỏ bé, nhưng ngay từ khi cất tiếng hát, đã chứa chan những xúc cảm về chính nơi cô sinh ra, chính tổ ấm mà cô lớn lên.

Âm nhạc làm cho cuộc sống này giàu màu sắc, nhạc điệu hơn, làm cho tâm hồn con người đẹp hơn. Giống như câu danh ngôn: Nếu không có âm nhạc, cuộc sống là một cuộc hành trình qua sa mạc khô cằn.[1]

Với tôi, âm nhạc không chỉ có giá trị như là một món ăn tinh thần, như một không gian để giải trí thư giãn, mà còn là cách để tôi tìm đến sự cân bằng trong cuộc sống, chỗ dựa giúp tôi vững tâm những lúc chênh vênh. Âm nhạc rửa đi khỏi tâm hồn tôi những bụi bặm của cuộc sống hàng ngày.

Thứ âm nhạc đặc biệt ấy đưa tôi đến với chị: không bất ngờ, vồ vập, mà nhẹ nhàng sâu lắng. Âm nhạc của chị cùng những năm tháng tôi học trung học, rồi đại học, những khúc tình ca chị hát đong đầy khao khát tình yêu thời trẻ của tôi, những bài hát giản dị đến mộc mạc nhưng giàu triết lý của Trịnh Công Sơn chị thể hiện lại thấm đẫm trong con người tôi nhân sinh quan cuộc sống. Trong cả quãng thời gian dài với bao đổi thay ấy, cuộc sống luôn đẹp và ý nghĩa bởi tôi luôn có bên mình tiếng hát của chị, tiếng hát Hồng Nhung.

Xin được bắt đầu những xúc cảm về chị bằng hình ảnh mà tôi luôn suy nghĩ về hiện thân của chị trong âm nhạc Việt Nam: chị là một con chim họa mi.

Họa mi và những cảm xúc về quê hương – thủ đô Hà Nội

Có người Hà Nội nào không xao xuyến đến bùi ngùi khi nghe những ca từ và giai điệu sâu lắng của Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp): “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu. Một thời đạn bom, một thời hòa bình…”. Mỗi khi giọng ca đẹp đến thanh thoát ấy cất lên, người Hà Nội nào không nhớ đến những ký ức về Hà Nội xưa, những năm tháng bom đạn chiến tranh, những biểu tượng của Hà Nội: tàu sắt leng keng, cầu Long Biên xưa cũ oai hùng, để rồi lại ngân lên trong lòng những bồi hồi rạo rực về một Hà Nội kiên cường, người Hà Nội anh dũng đấu tranh. Cứ mỗi khi nghe lại ca khúc này chị hát trên sóng radio, trên những chiếc loa phát thanh phường ở những ngõ nhỏ phố cổ, tôi lại hình dung có biết bao trái tim người Hà Nội ở đâu đây đang lặng đi, thổn thức, và biết bao đôi chân đang giục giã tìm về.

Hà Nội trong tim “Họa mi” đẹp và đầy hoài niệm đến mê lòng trong sắc vàng của “Đoản khúc thu Hà Nội”, trong những Chiều Hồ Gươm, trong lời gọi Em ơi! Hà Nội phố…để rồi xa vắng và gói gém cả ký ức trong Gửi người em gái…[2]

Hồng Nhung như một con chim họa mi nhỏ bé, nhưng ngay từ khi cất tiếng hát, đã chứa chan những xúc cảm về chính nơi cô sinh ra, chính tổ ấm mà cô lớn lên, để rồi những xúc cảm đó dâng tràn đầy hoài niệm trong những ca khúc về Hà Nội thân yêu.

Họa mi lớn lên trong bầu trời nhạc Trịnh

Tiếng hát Hồng Nhung thuở ban đầu như thanh âm bản năng của một tâm hồn trẻ tài hoa. Thế rồi như một cơ duyên, Họa mi bắt gặp không gian âm nhạc của người nghệ sỹ thiên tài Trịnh Công Sơn: để hiểu và “cảm” được những giai điệu và ca từ triết lý, biến cái “cảm” ấy vào tiếng hát trong sáng của mình bằng rung động, và cất tiếng hát nhạc Trịnh, mới mẻ đến ngỡ ngàng, ấn tượng đến ngỡ ngàng.

“Tôi 20 tuổi, nhỏ bé với đôi vai gầy guộc, còn anh, người đàn ông không tuổi, đôi mắt sáng, dáng xiêu xiêu. Tôi chào và nhận lấy sự trìu mến từ hơi ấm nơi bàn tay anh và chẳng còn để ý đến xung quanh mình…Anh nhìn tôi, đôi mắt sáng vốn lúc nào cũng như đang cười, bỗng ánh lên. Kỷ niệm đang trở về. Anh bỏ sang phòng ngủ một chốc rồi quay lại với cuốn album dày. Từng trang ảnh cũ lật qua, người phụ nữ trẻ trong ảnh đang mỉm cười. Cô đẹp thật, kiểu đẹp e ấp ngày xưa. Lần đầu tiên, tôi ý niệm Như cánh vạc bay là có trong đời thật. Rồi anh chỉ cho tôi người đẹp Diễm xưa, nói chuyện với tôi về cô gái trong Tôi ơi đừng tuyệt vọng… Hàng giờ trôi qua, tôi như bị hút vào trong một cuốn phim đầy hình ảnh sống động của quá khứ. Trưa hôm ấy, trời không nắng, gió chẳng lay động cây cối ngoài khu vườn nhỏ. Chỉ nghe thấy giọng anh ấm và nhẹ, cứ từ từ kể lại cho tôi hay, cho chính mình nghe kỷ niệm về tình yêu của anh.”[3]

Hồng Nhung đến với nhạc Trịnh như thế, giống như con chim họa mi tìm đến vườn âm nhạc, chứa đầy sự đồng cảm và vui thích. Và để rồi những ca khúc nhạc Trịnh được cô hát trở nên sống động lạ thường, mộc mạc và dung dị, ca từ cứ thế cuốn nhau đi trong con sóng của triết lý và cảm xúc cuộc đời:

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì? Em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi….”. Để gió cuốn đi.

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em.” Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!

Nhạc Trịnh hay ở chỗ, nó không chỉ có tính thời đại, mà còn có giá trị tồn tại. Tồn tại vì triết lý trong đó gần gũi đến thân quen, đơn giản mà thanh thoát, ai cũng cảm thấy và hiểu được trong đời sống của riêng mình. Và họa mi Hồng Nhung đã chọn cách hát nhạc Trịnh như thế, giản dị và mộc mạc. Như chính Trịnh Công Sơn đã viết: “Hồng Nhung hát nhạc của tôi, có người thích, có người không thích, nhưng tôi thích! Bởi cô ta hát nhạc của tôi đúng với cách thể hiện của thế hệ cô ta. Như thế là làm cho âm nhạc của tôi có giá trị trong ngày hôm nay chứ không phải là kẻ nhắc tuồng của quá khứ.

Họa mi tìm đến cảm thức Thiền – Họa mi trở lại với vườn nhạc xưa

Trên nền thẩm mỹ âm nhạc “vị nghệ thuật” và đầy cảm xúc đó, Hồng Nhung đến với lối hát tươi mới, hát mà như là tiếng vọng của xúc cảm, hát như là giai điệu tự nhiên của những khát khao được sống, sống để chia sẻ yêu thương:

“Một ngày mới nắng lên. Em dang tay chào đón. Nhẹ nhàng tia nắng hồng. Em ngân nga chờ đón. Và anh đến bên em.” Một ngày mới (Huy Tuấn)

Rồi một Họa mi hót trong mưa (Dương Thụ)

“Ôi trong mưa họa mi vẫn hót thật dịu dàng dịu dàng
Trên môi em tình yêu đã mất còn nồng nàn nồng nàn
Vì sao lại chia tay, vì sao chẳng trở về ?
Vì sao ngừng mê say, vì sao chẳng mãi mãi...?”

Cứ mỗi lần nghe ca khúc này, bên cạnh tình yêu người con gái mênh mang trong một chiều mưa, tôi lại hình dung ra hình ảnh chị, chị cũng như con chim họa mi cứ hót mãi, hót đến mê đắm, hót đến say lòng giữa cơn mưa hè ngập nước. Nhưng mưa không ngăn được tiếng hát chị, mưa phải nhún mình, làm nền cho tiếng hát ấy cất vang hơn, thanh thoát và cháy bỏng hơn.

Và đặc biệt là phong cách âm nhạc độc đáo của chị trở nên biến ảo đến khác lạ nhưng vẫn rất tinh tế trong album “Khu vườn yên tĩnh”.

Nốt nhạc trở nên tối giản, thanh âm như trở về với sự trong trẻo nhất, thuần khiết nhất. Kéo những ca từ đi vào với sự “an nhiên tự tại” của con người. Đó là lúc Họa mi đến với thức cảm của triết lý Thiền.

Có một Khu vườn yên tĩnh với Tiếng nước róc rách, tiếng mưa để lại. Tia Nắng sớm chiếu trên giọt sương mai. Có con chim sâu và những Hòn đá trong vườn[4].... nhưng ẩn sâu trong mỗi cử động, mỗi khoảnh khắc, mỗi giây của miền tĩnh lặng ấy, lại tìm thấy trong đó những triết lý sống đẹp, triết lý sống mà cả một đời người hướng tới.

Chất Thiền thấm vào cả trong cuộc sống, vào không gian sống của Họa mi. Hồng Nhung có một ngôi nhà đặc biệt mang phong cách kiến trúc phương Đông, với gạch thẻ xếp xương cá, bậc tam cấp, chiếu nghỉ…Trong nhà có cả vườn cây, ao cá, có suối róc rách. Khu vườn là điểm nhấn của căn nhà, ở đây, chị cảm nhận được đời sống từ quá trình mầm ươm thành cây và cảm nhận về sự thay đổi của cuộc đời qua sự sinh trưởng của cây cối. Tất cả các chi tiết và sự sắp đặt đều gợi lên vẻ thuần khiết, mỗi vật dụng như một tác phẩm nghệ thuật, để mỗi khi trở về nhà, mọi ưu phiền tan biến. Bống lại như sống tràn trề giữa thiên nhiên.

Bước qua Khu vườn yên tĩnh, Hồng Nhung đi học thanh nhạc và vũ đạo ở nước ngoài, để rồi trở về Việt Nam, chị tìm lại đến vườn xưa – vườn âm nhạc Trịnh Công Sơn. Và lần hội ngộ này, chị đã thực sự thăng hoa.

Như cánh vạc bay giản dị nhưng không hề đơn giản, được hát bằng cái “cảm” nhạc Trịnh vốn có ở chị, và bằng cả trải nghiệm xúc cảm của hơn một thập kỷ người nghệ sỹ. Như cánh vạc bay như một câu chuyện, ở đó có một giáo đường tình yêu với nến, với hoa, với chất tĩnh lặng của hồn người. Nhưng giữa không gian ấy hiện lên một hình ảnh đặc biệt, như chính Hồng Nhung thổ lộ: Người con gái giữa giáo đường tình yêu, nhỏ bé và mảnh mai như cánh vạc đi giữa cuộc đời để tìm tình yêu cho mình, nhưng hình ảnh ấy lại ẩn chứa sức mạnh, sức mạnh để cô biết sống trong khát vọng yêu thương.

Tôi và Họa mi

Tôi tìm thấy dáng hình của mình và biết bao người Hà Nội trong những ca khúc mà chị hát về thủ đô yêu dấu. Tôi sống trong những đam mê, khát khao được chia sẻ, đón nhận tình yêu, đón nhận hạnh phúc trong “Một ngày mới”, “Để gió cuốn đi”....Và tôi còn học được những bài học lẽ sống giản dị trong âm nhạc Trịnh Công Sơn mà chị hát.

Lúc còn nhỏ, tôi có một thói quen kỳ lạ: mỗi khi có chuyện buồn, những lúc tôi phải khóc, hay điều gì khiến tôi trăn trở suy nghĩ. Tôi lại viết ra những dòng chữ lên mảnh giấy nhỏ, gấp lại, bỏ tất cả vào trong một chiếc lọ kính trong suốt. Âm nhạc của chị, và cả những mảnh giấy lấp đầy dần chiếc lọ kia, theo tôi một quãng đời…

Bây giờ, khi đã lớn, tôi không hiểu sao ngần ấy năm, chiếc lọ vẫn không thể đầy, những nỗi buồn của tôi không đủ lấp trọn không gian ấy.hnhug7

Một buối sáng thức dậy, ngồi bên cửa sổ, nghe ca khúc “Một ngày mới”, tôi cầm chiếc lọ ấy lên, và bỗng thảng thốt nhận ra: nó không thể bị đầy, bởi những mảnh giấy – những nỗi buồn của tôi không phải cứ dồn đọng lại ngày này qua ngày khác. Tôi chợt hiểu ra một sự tương đồng: Có những mẩu giấy xẹp xuống, đè lên nhau – như những nỗi buồn sẽ bị thời gian làm vơi đi; có những mẩu giấy bị gió cuốn bay đi – như những nỗi đau được chia sẻ trong đời sống trở nên nhẹ bẫng; và có những mảnh giấy tôi không còn nhớ nữa – như sự đổi thay, vươn lên trong cuộc sống làm con người ta chiến thắng nỗi buồn.

Như một sự liên hệ đặc biệt, tôi cảm thấy ở chị một thứ âm nhạc duy nhất – làm cho cuộc sống, tâm hồn người ta rửa sạch đi khỏi những bụi bặm của cuộc sống bề bộn này.

Chị như một con chim họa mi trong âm nhạc. Bởi chị sinh ra ĐỂ LÀM họa mi – để hát những ca khúc này, như một số phận sắp đặt. Và còn bởi chị sinh ra ĐÃ LÀ một họa mi – chị là ca sỹ duy nhất trong 4 diva Việt Nam mà không hề có một bằng cấp đào tạo trường lớp nào, nhưng có một chất giọng tuyệt vời, đẹp bởi cảm xúc và bởi bản năng người nghệ sỹ.

Âm nhạc và cuộc sống của chị đối với tôi như một niềm tin, lớn hơn, thậm chí là một thứ TÔN GIÁO. Thứ tôn giáo ấy không giảng đạo, không có những cuốn thánh kinh, mà được viết bằng những nốt nhạc, bằng ca từ, bằng những triết lý sống giản dị ẩn chứa trong những lời ca. Và tôn giáo ấy dạy tôi rằng: Hạnh phúc là khi sống thật với cảm xúc của mình, yêu thương và nâng niu những điều đẹp đẽ. Và điều đẹp nhất trên đời chính là con người, và sự cần có nhau trong đời sống.

[1] “Without music, life is a journey through a desert.” Pat Conroy – tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ

[2] Đoản khúc thu Hà Nội, Chiều Hồ Gươm, Em ơi! Hà Nội phố, Gửi người em gái…: Tên những ca khúc trong Album Đoản khúc thu Hà Nội của Hồng Nhung – được giải thưởng Đĩa hát vàng 1997 với số lượng đĩa bán chạy nhất trong năm

[3] Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn những ngày đầu quen nhau, tâm sự của Hồng Nhung: [You must be registered and logged in to see this link.]

[4] Tiếng nước róc rách, Tiếng mưa để lại, Con chim sâu, Giọt sương, Hòn đá trong vườn, Nắng sớm: những ca khúc trong Album Khu vườn yên tĩnh của Hồng Nhung thực hiện với nhạc sỹ Dương Thụ: lấy thiên nhiên làm chất liệu, tối giản âm nhạc.

Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 38
Join date : 08/09/2009

https://nhabong.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết