Nhà Bống
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

[Mạnh Hải] Kỳ 1: Có một Bống - Hồng Nhung trong âm nhạc Dương Thụ

Go down

[Mạnh Hải] Kỳ 1: Có một Bống - Hồng Nhung trong âm nhạc Dương Thụ Empty [Mạnh Hải] Kỳ 1: Có một Bống - Hồng Nhung trong âm nhạc Dương Thụ

Bài gửi by NgocBlue Wed Sep 15, 2010 1:08 am

Trong cuốn sách “Cà phê mưa” vừa ra mắt của Dương Thụ, ông nhiều lần chia sẻ về hạnh phúc và may mắn khi âm nhạc của mình gặp được giọng hát Hồng Nhung, với ông Hồng Nhung luôn là người thể hiện thành công nhất và đúng nhất tinh thần nhạc Dương Thụ. Cô Bống cũng may mắn không kém, khi có một người thầy, người chú, người đồng nghiệp tài năng đã đồng hành cùng mình xuyên suốt 25 năm trong nghệ thuật và cuộc sống.

1. Kỷ niệm đặc biệt của nhạc sỹ Dương Thụ, Nguyễn Cường và Bống (1985)

Năm 1985, lần đầu tiên nhạc sỹ Dương Thụ được gặp và nghe Bống hát, ông nhớ rất rõ: “Năm 1985, khi đang tìm kiếm giọng hát chính cho chương trình của nhà hát Tuổi Trẻ, tôi đã nghe đồn “Bống nó hát hay lắm”. Trong một tiệc rượu trải chiếu (tức ngồi đất) của Bố Nhung đãi bạn bè, tôi đã được nghe Bống ôm đàn hát Papa. Bống gầy gò, nhỏ bé nhưng giọng hát chẳng ẻo lả, dễ thương như ta hình dung mà mộc mạc và “cứng” lắm. Thú thật nghe Bống hát Papa tôi còn thấy xúc động hơn nguyên gốc. Sau này ở hội diễn 1985, Bống hát lại Papa tại Nhà hát lớn Hải Phòng. Tôi thấy nhiều người khóc. Tôi đã ngồi lặng sau cánh gà. Tôi biết, nếu không kìm giữ thì nước mắt cũng chảy thôi. Hát là như thế, làm nghệ thuật là như thế.”

Đến nay, Hồng Nhung vẫn là ca sỹ trẻ nhất đạt Huy chương Vàng ở một cuộc thi hát chuyên nghiệp (15 tuổi). Đây là một kỷ niệm thú vị và khó quên của nhạc sỹ Dương Thụ, Nguyễn Cường và Hồng Nhung.

Nhạc sỹ Nguyễn Cường kể lại: “Năm 1985, nhà hát Tuổi trẻ mời tôi làm tổng đạo diễn chương trình thi Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng…Còn hai hôm nữa là lên đường đi Hải Phòng, tôi chợt để ý đến nhóm các cháu 14 – 15 tuổi từ Cung văn hóa thiếu nhi sang hát bè. Trong đám trẻ ấy có một cô bé giọng hay quá. Tôi mới lên trình bày đề cương với bà giám đốc (đạo diễn Hà Nhân), không để Hồng Kỳ kết thúc chương trình mà chính là cô bé mới được phát hiện. Đó chính là Hồng Nhung. Bà giám đốc lúc ấy chỉ còn biết thở hắt ra và đồng ý: “Thôi, tôi tin anh !”

“Theo cảm xúc từ chủ đề chương trình là “Thả diều vào trời xanh”, ngay hôm ấy, tôi viết Diều ơi cho em bay, xong tập luôn, không kịp phối khí. Không bao giờ tôi quên được hôm ấy: Đúng 12 giờ, còi tan tầm hú khi Hồng Nhung đang hát đến cao trào: Diều ơi cho em bay…Ai khác thì coi như xong rồi. Vậy mà cô bé vẫn hát. Đến khoảng một phút sau tiếng còi dịu xuống thì tiếng hát Hồng Nhung như toát ra từ cái tiếng còi đấy, và vẫn căng cái nốt ấy”.

“Tiếng vỗ tay bis, bis thật nồng hậu mà đấy là toàn những người trong nghề cả. Lúc về đoàn tôi chỉ lo mỗi việc: Hồng Nhung sinh năm 1970, 15 tuổi, ai cho cô bé Huy chương vàng, vì đây là cuộc thi chuyên nghiệp. Thế mà Hồng Nhung vẫn cứ được Huy chương vàng vì hát ghê gớm quá. Nhưng tôi không bao giờ nhận Hồng Nhung là “ca sỹ của tôi”, dù sau đó cô ấy hát “Tôi về đây nghe sóng” cũng rất thành công…”

Cô bé Bống đã 3 lần đoạt giải nhất “Giọng hát hay học sinh thủ đô Hà Nội” (1982 , 1983, 1984) nhưng đây là lần đầu tiên giành được tấm Huy chương vàng trên sân khấu chuyên nghiệp, đó là niềm vui, hạnh phúc vô cùng với cô bé Bống. Bống nhớ: “Lúc đó chẳng ai biết tôi cả, vừa bước ra sân khấu, gầy gò, nhỏ bé, đã bị người ta xì xào, thậm chí có tiếng kêu đuổi tôi xuống sân khấu. Tôi đứng cuối đầu, nhìn thấy hai chân mình còn đứng vững trên nền gỗ của sân khấu và bắt đầu hát Papa. Có một nỗi cô đơn kỳ là và đến cuối bài hát nước mắt tràn trề. Sau đó, tiếng vỗ tay như sấm, không ngừng…Tôi chạy ra phía cánh gà, thẳng ra phía cửa sân khấu, tới cổng thì chú Thụ chạy vào, hai chú cháu ôm lấy nhau. Có điều không cần nói ra là chú hiểu tôi và có lẽ phần nào thấy cả bé Mi (con gái chú) trong tôi nữa…Năm ấy 15 tuổi.”

Bống cũng dành rất nhiều tình cảm cho nhạc sỹ Nguyễn Cường: “Thực ra, tôi ít hát nhạc Nguyễn Cường. Cũng không có nhiều dịp gặp nhạc sỹ. Nhưng tôi luôn ghi nhớ giải thưởng đầu tiên trong đời mình gắn với bài hát “Diều ơi cho em bay” của ông. Vì thế, tôi thường cảm thấy mối dây ràng buộc vô hình, một sự biết ơn thực lòng với nhạc sỹ Nguyễn Cường”.

2. NS Dương Thụ - Đồng hành cùng Bống trong nghệ thuật…

Nếu cô cháu Bống thành công và nổi tiếng khi còn rất trẻ thì ông chú Dương Thụ lại khá lận đận trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Năm 22 tuổi, ông đã có ca khúc được phát trên đài tiếng nói nhưng phải hơn 30 năm sau đó ông mới nổi tiếng và khẳng định vị thế, tên tuổi trong làng nhạc trẻ Việt, thoáng qua ông được biết đến với “Tiếng sóng biển” trong thập niên 80 với giọng ca của ngôi sao đương thời Lệ Quyên. Dương Thụ làm nhiều nghề: dạy học, viết báo, sáng tác nhạc, tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn vất vả, không đạt được ước mơ, hoài bão nghệ thuật, có những lúc ông muốn quay về quê ở Bắc Ninh để sống, nhưng rồi Hồng Nhung đã kéo ông ở lại Sài Gòn khi những ca khúc của ông mà cô thể hiện rất được yêu thích.

Khởi đầu bằng “Cho em một ngày” do Hồng Nhung hát với bản phối của Vĩnh Tâm đã làm bùng nổ các đêm nhạc tại Nhà hát Hòa Bình (1996), có hôm Hồng Nhung còn được yêu cầu hát lại đến 2 lần, sau đó là hàng loạt ca khúc Topten Làn Sóng Xanh: Vẫn hát lời tình yêu, Bài hát ru cho anh, Mặt trời êm dịu, Bóng tôi ly cà phê…Dương Thụ trở thành một nhạc sỹ hàng đầu được mọi giới mến mộ. Có những tháng ngày, đi đến đâu, đến bất cứ quán cà phê, trên đường phố, ngõ hẻm cũng thấy Hồng Nhung thì thầm, da diết: “Đã biết em để mất anh rồi, tiếng chim ngừng hót bên trời…Đã biết yêu là vẫn thế rồi, trái tim còn mãi hát lời tình yêu”. ..

Live show "Hồng Nhung & Bống bồng ơi"

Hồng Nhung đã thu âm “Tiếng sóng biển” từ những thập niên 80, bài hát được sáng tác tại Đồ Sơn – Hải Phòng (1985), khi đó nổi tiếng với giọng hát Lệ Quyên nhưng sau này lại gắn bó với Bống. Trong live show Xuyên Việt đầu tiên mang tên “Hồng Nhung & Bống bồng ơi” (1997), Dương Thụ là người chỉ đạo nghệ thuật cho chương trình của Bống, ông rất tự hào về live show này, với ông đó là một chương trình nghệ thuật thực sự, với sáng tạo và lao động nghệ thuật nghiêm túc, ông rất thích thú khi có những khen chê trái chiều về chương trình vì theo ông “hiện tượng làm nảy sinh những khen chê trái ngược mới đặc biệt và điều này nằm trong sự chờ đợi của tôi”.

9 đêm diễn của live show Hồng Nhung đã hát: Tiếng sóng biển, Vẫn hát lời tình yêu, Em đi qua tôi…đầy hồn nhiên, trong sáng nhưng lại chan chứa tình yêu đầymãnh liệt và ca khúc của ông luôn nhận được sự yêu mến nồng nhiệt của khán giả tham dự. Ông rất thích câu nhận xét của Hồng Nhung: “Nhạc của Dương Thụ rất ngây thơ”. Mỗi lần trong phòng thu, nghe Hồng Nhung hát ông lại lặng đi vì xúc động, Dương Thụ nói: “Nghe cô ấy hát bài của mình, tôi có cảm giác cô ấy chính là tác giả.”.

Dương Thụ giúp Hồng Nhung lựa chọn bài vở, biên tập cho các album của Hồng Nhung: Album “Đoản khúc thu Hà Nội”, “Hồng Nhung & Những bài topten”, “Bài hát ru cho anh”, “Cháu vẽ ông mặt trời”, “Ngày không mưa”, “Khu vườn yên tĩnh” là những album hay và đánh dấu những bước ngoặt trong sự nghiệp của Hồng Nhung.

Album "Bài hát ru cho anh" được thiết kế bìa 2 lần (ảnh trên). Bìa đầu tiên Bống rất thích nhưng không hợp thị hiếu nên thiết kế lại bìa 2, album bán rất chạy và được tái bán suốt nhiều năm

“Hồng Nhung - Bài hát ru cho anh” với 11 tình khúc hay nhất của Dương Thụ là một trong những album hay nhất của Hồng Nhung, chất nhạc nhẹ thể hiện rõ nhất, một album đẹp về âm nhạc, tâm hồn. “Ngày không mưa” và “Khu vườn yên tĩnh” là hai đỉnh cao mới trong sự nghiệp của Hồng Nhung cũng mang đậm dấu ấn của Dương Thụ.

Album Ngày không mưa do Dương Thụ lên ý tưởng và biên tập, album có đến 4 ca khúc của Dương Thụ sáng tác và 2 ca khúc ông đặt lời. Hồng Nhung đã tỏa sáng với “Họa mi hót trong mưa” và đưa ca khúc này lên đến đỉnh cao. Một ca khúc mà rất nhiều người hát thành công trước đó như Lê Dung, Trần Thu Hà nhưng chỉ đến khi Hồng Nhung hát, nó mới trở thành Hit và gắn bó với Hồng Nhung trên mọi sân khấu ca nhạc, bài hát cũng được giải Ca khúc được yêu thích nhất của “VTV – Bài hát tôi yêu 2002”.

Riêng Album “Khu vườn yên tĩnh” là bước đột phá trong nghệ thuật của nhạc sỹ Dương Thụ khi ông lên kịch bản và viết lời cho toàn bộ ca khúc trong album, một album dạng ý tưởng đầu tiên ở Việt Nam, âm nhạc tối giản được khai thác triệt mà theo ông: “Tôi cảm thấy càng viết đơn giản càng bộc lộ mạnh. Cũng như Nhung, đi qua một cuộc sống đầy hoan lạc, phức tạp và phong phú, cô ấy đã có sự trải nghiệm để có thể cảm nhận được phải sống sao cho nhẹ nhàng hơn…hai chú cháu muốn cùng nhau làm một cái gì đó thật sự nghệ thuật, mang một thông điệp đến với cuộc sống chứ không phải là các ca khúc phổ thông…Tôi viết cho Nhung như thể cho chính mình, đầy thương cảm và Nhung cũng đã hát rất thương cảm như thế…Nhung có một cảm xúc âm nhạc giống tôi, một giọng hát giản dị, đương đại…”. Khu vườn yên tĩnh với nền nhạc world music đậm chất thiền của Quốc Trung và giọng hát tinh tế, nồng nàn, nhẹ nhàng, tình cảm của Hồng Nhung đã mang lại hơi thở lạ lẫm, tinh khôi và ngập tràn cảm xúc trong từng lời thơ Haiku của Dương Thụ.

Nhà thơ Dương Tường viết: “….thì hãy cứ đi ngu ngơ trên rìa của bối rối và tiếc nhớ trong tiếng mưa để lại mỏng hơn cả những hứa hẹn hạnh phúc dù chân lý đôi khi giấu những giọt lệ thầm cho đêm vẫn ngỡ ngàng màu tím còn tím hơn kỷ niệm của ngọn gió thì thầm trên tóc (ai) xanh mười tám…” (7/1994 – Những lần nghe Dương Thụ). Hát thành công ca khúc của Dương Thụ cũng có nhiều ca sỹ nhưng “hát cho được cái thần của nỗi cô đơn trong trẻo thuộc về cõi riêng của Dương Thụ có lẽ chỉ có Hồng Nhung".

Trong đêm nhạc “Vẫn hát lời tình yêu” của Dương Thụ tại phòng trà M & Tôi (2005), ngồi nghe Bống hát, Dương Thụ đã thốt lên: “Sao hôm nay cái Nhung nó hát hay đến thế”. Hiện nay, trong hơn 50 tác phẩm của ông được phổ biến rộng rãi, Hồng Nhung là ca sỹ hát và thu âm nhiều nhất nhạc Dương Thụ, với hơn 30 ca khúc. Trong hành trình tìm kiếm, khám phá vẻ đẹp của âm nhạc Dương Thụ, Hồng Nhung đã trải qua những cung bậc cảm xúc rất khác biệt trong từng ca khúc, đặc biệt với “Ru con giữa rừng đại ngàn” một ca khúc nhạc nhẹ mang phong cách Rock của Dương Thụ được Hồng Nhung thể hiện xuất sắc, xuất thần trong Duyên dáng Việt Nam 9 để lại một dấu ấn khó quên với những khán giả đã quen với những giai điệu pop trữ tình của Dương Thụ. Đến nay, chưa có một ca sỹ nào thể hiện lại ca khúc này, có lẽ nó chỉ dành riêng cho giọng hát của Hồng Nhung.

Khi Hồng Nhung bắt đầu sáng tác ca khúc, người nghe đầu tiên và góp ý nhiều nhất là nhạc sỹ Dương Thụ. Nhờ đó, Bống đã tự tin giới thiệu với khán giả yêu nhạc 2 ca khúc tự sáng tác: “Phố một ngày vui” và “My dream” trong live show Vì ta cần nhau. Riêng "My dream" được đánh giá rất cao và trở thành một ca khúc gắn liền với tên tuổi Bống, được Bống trình diễn ở Duyên dáng Việt Nam và nhiều chương trình nghệ thuật lớn. Hồng Nhung luôn tin tưởng và lắng nghe những góp ý, kể cả những lời chê của nhạc Dương Thụ, với chị lời của ông bao giờ cũng là “đánh giá ở cấp độ cao nhất”.

3. NS Dương Thụ - Đồng hành cùng Bống trong cuộc sống…

Cô Bống tâm sự: “Riêng chú Thụ, ngoài tình cảm giữa người nhạc sỹ và ca sỹ, trong đời sống chú còn là người bạn, hợp nhau về gu thẩm mỹ và về cách sống, chúng tôi luôn hướng tới một đời sống chất lượng cao cho mình”.

Có một điều chắc nhiều người không biết, nhạc sỹ Dương Thụ ngoài đời cao đến 1.80 m , trong khi cô cháu gái thân thiết thì lại nhỏ bé, Bống chỉ cao 1.53 m. Trên sân khấu, Bống luôn cao ráo và xinh đẹp chẳng kém mỹ nhân nào là nhờ trang phục được thiết kế dành riêng cho vóc dáng của Bống, Bống quan tâm và đam mê thời trang, ăn mặc luôn mốt và đẹp.

Ngược lại, nhạc sỹ Dương Thụ rất hồ hởi khi nói chuyện về thời trang nhưng trước đây gần như ông không quan tâm chăm chút lắm cho hình thức bên ngoài của mình: “Tôi nói thì có vẻ sành điệu, nhưng nói và làm là hai việc khác nhau. Có lần, ca sĩ Hồng Nhung gặp tôi nói rằng: “Cháu nói thật, trông chú ăn mặc ghê quá, chú bỏ hết những bộ quần áo đang mặc đi, từ nay, cháu sẽ tư vấn cho chú về trang phục, chứ cứ như hiện nay thì trông chú như cái bị ấy”. Tôi về nhà, soi gương thì thấy quả là cô ấy nhận xét đúng thật”. So với thời kỳ “Nghe mưa”, giờ đây Dương Thụ vẫn giữ phong cách ăn mặc giản dị nhưng đã khá chỉn chu và có phong cách riêng mỗi khi xuất hiện.

Dương Thụ có một niềm đam mê đặc biệt với việc thiết kế và xây dựng nhà cửa. Ông đã nhiều lần lên các tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp để trao đổi về quan điểm rất riêng về kiến trúc nhà ở: “Nhà là gia đình. Ngôi nhà là nơi ta trở về. Nhà cửa và việc làm nhà cho ta cảm giác gia đình và chỗ để ta trở về nên nếu tôi có thích thú với việc này cũng là chuyện bình thường”. Dương Thụ am hiểu khá nhiều về kiến trúc phương Đông, ông thích những ngôi nhà thật gần gũi thiên nhiên và thoải mái, ông cho rằng nhạc và nhà của ông rất giống nhau, ngôi nhà nó thể hiện rõ tính cách và thẩm mỹ của chính chủ nhân. Dương Thụ còn tham gia thiết kế “khu vườn yên tĩnh” cho Hồng Nhung, nhạc sỹ chia sẻ: “Ngôi nhà nào cũng phải nói rõ được chủ nhân là ai. Nhà của cô Hồng Nhung không thể giống nhà của một họa sỹ, một nhà văn hay một ca sỹ khác được. Khi thiết kế tính hợp ký và việc tổ chức không gian sống phải đặt lên hàng đầu, sau đó mới phủ lên cái đẹp về hình thức.”.

Ngôi nhà cũ rất đẹp của Hồng Nhung ở quận 3, lên tivi rất nhiều lần, một ngôi nhà đậm chất Á Đông, gần gũi với thiên nhiên do Dương Thụ thiết kế, nhiều người khi bước qua cổng đã thốt lên: “Nhà này đúng là nhà Hồng Nhung”. Ngôi nhà mới ở quận 2 của Bống cũng có sự tham gia tư vấn và thiết kế của ông: “Nhung thích cách làm nhà của tôi. Tôi coi Nhung như cháu ruột, cô ấy nhờ thì tôi giúp thôi”. Ngôi nhà mới của Bống cũng gần như đã hoàn thiện và dường như cô Bống được “thừa kế” niềm đam mê xây nhà và sửa nhà từ ông chú Dương Thụ. Không gian nhà mới của Bống rộng rãi hơn nhà cũ nhưng vẫn mang một phong cách Á Đông, gần gũi với thiên nhiên và khí hậu Việt Nam, ngôi nhà đẹp, tinh tế và cá tính không kém “khu vườn yên tĩnh” trước đây. Đặc biệt, không gian nhà rất hợp để Bống có thể treo hết bộ tranh sưu tập suốt 20 năm qua của mình.

4. ....

25 năm là một chặng đường rất dài, Bống may mắn khi có sự dìu dắt của nhạc sỹ Dương Thụ trong nghệ thuật và đời sống: “Nhung xem chú vừa là cha chú, vừa là người thầy lớn của mình. Chú tài năng, hiểu biết nhiều, kiến thức uyên bác, thẩm mỹ cao. Gần chú, Nhung học được nhiều điều, chín chắn và trầm tĩnh hơn”. Nhạc sỹ cũng vui khi nhờ Bống mà những ca khúc của ông đến được với khán giả một cách ưng ý, trọn vẹn nhất: “Kiếm được một giọng hát như Nhung đối với tôi quả là một sự may mắn”.
Mạnh Hải
NgocBlue
NgocBlue
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 901
Join date : 10/09/2009
Age : 37

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết